Tăng sốc và lập đỉnh liên tục. Sau đó lại giảm giá nhanh chưa từng thất. Đó là kịch bản của thị trường vàng trong hơn chục năm qua. Vậy vàng mất giá thế nào sau khi lập đỉnh và đâu là nguyên nhân của sự kiện này?
Giá vàng nóng những ngày qua
Trung tuần tháng 5, giá vàng ghi nhận có sự giảm mạnh so với giai đoạn tháng 3 – 4. Cụ thể vào ngày 13/5, giá vàng miếng SJC được niêm yết 85,5 – 88,5 triệu/ lượng. So với cuối tuần trước thì đã giảm đến 3,3 triệu đồng ở chiều mua và 2,8 triệu đồng ở chiều bán. Còn nếu so với mức đỉnh của ngày 10/4 thì giá hiện tại đã giảm đến 4 triệu đồng.
Cũng trong cùng ngày 13/5, buổi chiều, khi thị trường chuẩn bị khép lại thì giá lại biến động phục hồi lên lại 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên giá này nếu so với giá đu đỉnh thì vẫn còn thấp hơn 2,5 triệu đồng. Với các nhà lướt sóng vàng, đây là một tin tức đầy quan ngại.
Rõ ràng, sau khi Chính phủ yêu cầu Kiểm tra khẩn cấp thị trường cũng như các công ty kinh doanh thì giá vàng đã hạ nhiệt. Và hệ quả tất yếu là nhà đầu tư “đu đỉnh” sẽ chịu lỗ. Kịch bản này cũng không phải lần đầu tiên xảy ra. Các thống kê cho thấy, mỗi khi giá vàng SJC lập đỉnh, chu kỳ tiếp theo sẽ là sự rung lắc dữ dội.
Nhìn lại giá vàng trong hơn 10 năm qua
Nhìn lại thị trường vàng SJC trong hơn 10 năm qua, các nhà đầu tư thấy được gì? Chu kỳ tăng và giảm luân phiên diễn ra, dù biến động chung vẫn nằm trong xu thế tăng giá:
Giá vàng lập đỉnh giai đoạn 2011 – 2012
Vào tháng 7/2011, thị trường vàng trong nước dậy sóng. Mức vàng SJC chạm ngưỡng 40 triệu/ lượng và con số này không ngừng tăng. Cơn sốt vàng lan tỏa, người người, nhà nhà kéo nhau rút tiền ngân hàng để đầu tư vàng.
Vào cuối năm 2012, giá vàng thậm chí có thời điểm vượt mốc đến 48 triệu/ lượng. Có nhiều ngày, giá biến động mạnh đến nỗi biên độ tăng lên đến vài triệu đồng.
Giảm sốc giảm sâu từ 2013 – 2019
Trước cơn sốt vàng SJC, nhà nước quyết định vào cuộc. Ngân hàng nhà nước ra công bố sẽ quản lý thương hiệu SJC. Đồng thời, sẽ giữ độc quyền kinh doanh vàng miếng. Các doanh nghiệp sẽ không được phép nhập vàng nguyên liệu.
Khi SJC được “quy về một mối”, giá vàng lao dốc giảm sâu. Có nhiều phiên giá vàng giảm từ 500k – 800k/ lượng. Đây là con số không nhỏ ở thời điểm bây giờ vì nó tương đương nửa mức lương cơ sở.
Trong suốt 6 năm sau đó, từ 2013 – 2019, giá vàng luôn dưới ngưỡng 40 triệu đồng/ lượng. Có lúc, vàng về lại mức giá sát 32 triệu đồng. Mức này giảm đến 33% so với mức đỉnh khiến không ít nhà đầu tư rơi vào khủng hoảng thua lỗ.
Chu kỳ tích lũy từ tháng 6/2020
Đến tháng 6/2020, giá vàng bắt đầu một chu kỳ tích lũy mới. Trong vòng 1 tháng, vàng đã vượt mốc trên 50 triệu đồng/ lượng. Đến tháng 8/2020, vàng đã lên đỉnh mới với mức 62 triệu đồng/ lượng và duy trì duy nhất 1 phiên, rớt xuống 2 triệu đồng/ lượng chỉ sau 1 đêm.
Suốt một thời gian dài, giá vàng đi ngang quanh ngưỡng 50 triệu đồng/ lượng. Cho đến năm 2021, giá vàng đã vượt đỉnh 60 và tiến dần đến mức 68 triệu đồng trong năm 2023.
Tăng mạnh từ 2023
Vào cuối năm 2023, giá vàng SJC trong nước bắt đầu có biến động mạnh mẽ. Tháng 10/2023, giá vàng đã vượt đỉnh 70 triệu đồng. Hàng loạt các đỉnh mới được thiết lập và giá liên tục rung lắc.
Đến giai đoạn cuối năm 2023 thì thực sự là một cuộc “đại loạn” của thị trường vàng. Đồ thị giá vàng gần như mỗi ngày đều lập kỷ lục mới. Điển hình vào cuối buổi sáng ngày 26/12/2023, giá vàng tăng từng giờ và chạm lên đỉnh mới ở mức ngoài 80 triệu/ lượng.
Tuy nhiên, thay vì giữ được vài phiên như các lần đu đỉnh khác, lần này giá chỉ neo được vài giờ. Ngay sau đó, giá thủng xuống dưới mức 80 triệu/ lượng. Sau một đêm thì giá giảm mạnh về mức 74 triệu/ lượng.
Trong suốt 2 tháng đầu năm 2024, giá vàng SJC giao dịch chủ yếu ở mức dưới 80 triệu đồng. Đến tháng 3/2024, chu kỳ tăng giá lại tiếp tục và diễn biến như chúng ta đã thấy vài tháng qua.
Nguyên nhân khiến giá vàng leo đỉnh liên tục và cao hơn giá vàng thế giới
Từ trước đến nay, giá vàng SJC luôn trong tình trạng biến động khó lường. Nó cũng tăng giảm có sự lệch pha đáng kể so với vàng quốc tế. Lý giải nguyên nhân này, các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do nguồn cung hạn chế.
Trong hơn chục năm qua, vàng SJC có số lượng không đổi và được mua đi bán lại. Một số nằm trong két của người dân. Nhà nước “bao thầu” vàng nên thị trường hạn chế nguồn cung, cộng thêm tâm lý thích tích trữ vàng của người Việt.
Gần đây, thông qua đấu thầu, vàng SJC đã được tăng thêm trong tổng nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, có đến 84,000 lượng vàng được đấu thầu mà chỉ có 6,800 lượng được đấu thầu thành công thì con số này cũng quá nhỏ để bù chỗ thiếu hụt trên thị trường.
Nhà nước can thiệp thế nào để hạ nhiệt thị trường?
Từ tháng 4, nhà nước đã bắt đầu tổ chức các cuộc đấu thầu vàng và đến nay đã tổ chức 5 lần. Trong đó, có 3 lần phải hủy vì không đủ số lượng tham gia. Chỉ có 2 lần thành công, mỗi lần đấu thầu được 3,400 lượng vàng SJC.
Chính phủ cũng thông tin về việc sẽ tiếp tục đấu thầu và số lượng sẽ được thống nhất để tăng nguồn cung cho thị trường. Về lâu dài, nhà nước sẽ có chính sách điều thị giá vàng phù hợp với tình hình thị trường. Đây là nỗ lực để kéo giá vàng ổn định cũng như ổn định nền kinh tế. Đặc biệt, đây cũng là cách để kéo chênh lệch giữa vàng trong nước và vàng thế giới, khi khoảng cách ở 2 thị trường này có vẻ đang ngày càng bị khoét sâu.
Chuyên gia nói gì về việc đầu tư vàng giai đoạn hiện tại?
Theo chia sẻ từ lãnh đạo một công ty vàng có trụ sở tại TP HCM, hiện nay thị trường vàng vô cùng biến động. Khó có thể dự đoán được kịch bản tương lai chính xác của kim loại quý này. Do đó, nên mua vàng hay không còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng nhà đầu tư.
Việc đầu tư cần phải được cân nhắc dựa trên mục tiêu tài chính cá nhân của mỗi người. Nếu chỉ dựa vào dự đoán giá vàng sẽ không khả thi. Vì lịch sử chứng minh cứ sau mỗi đợt đu đỉnh sẽ là tuột dốc. Nếu đà giảm lớn, trader không kịp trở tay. Vì vậy, mỗi nhà đầu tư trung lưu chỉ nên chọn vàng ở mức từ 5 – 10% trên tổng số tài sản. Còn lại, nên ưu tiên đa dạng hóa danh mục vào các sản phẩm tài chính khác để bảo toàn vốn.
Tất nhiên, nhà đầu tư vẫn có nhiều lựa chọn khác ngoài vàng vật chất. Ví dụ như đầu tư cổ phiếu vàng hay các quỹ ETF vàng chẳng hạn. Mạo hiểm hơn, có thể trade vàng ngoại hối, tận dụng các giai đoạn biến động mạnh nhất để kiếm lời.
Kết luận
Mua vàng thời điểm hiện tại, nếu giá giảm sẽ hối tiếc. Không mua, nếu giá tăng cũng sẽ hối tiếc. Sẽ không có lựa chọn nào là hoàn hảo. Lịch sử cho thấy sau mỗi lần leo đỉnh thì giá vàng sẽ tuột không phanh trong thời gian dài. Liệu lịch sử có lặp lại hay không? Thị trường vàng trong những năm tới thế nào? Chúng ta cùng chờ đợi những động thái tiếp theo từ thị trường này và lưu ý, đầu tư thận trọng, đa dạng danh mục!